Change background image
OAPA Forum- Cộng Đồng nhân sự Việt


Go downMessage [Page 1 of 1]

© FMvi.vn

Wed Sep 22, 2010 10:21 pm
admin
admin

thanh tra là gì Admin

Luật Thanh tra cần được sửa đổi theo hướng nâng cao địa vị pháp lý vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và của các cơ quan thanh tra nói chung. Cho ý kiến vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Phiên họp thứ Ba hai vừa qua, nhiều Ủy viên UBTVQH đặt câu hỏi: thanh tra là gì? Với tổ chức thanh tra như hiện nay thì thanh tra có phải là “tai mắt” của nhà quản lý không? Nếu thừa nhận thanh tra “tai mắt” của nhà quản lý thì tại sao lại yêu cầu thanh tra phải có địa vị độc lập? Còn nếu là “tai mắt” mà độc lập với cơ thể thì có “nhìn” được nữa không? Đây là những câu hỏi mà Ban Soạn thảo cần giải đáp thấu đáo.


CHỦ TỊCH HĐDT K’SOR PHƯỚC: Nếu tư duy như thế… thì xã hội sẽ tràn ngập thanh tra

Thanh tra trong hệ thống Nhà nước hiện nay chủ yếu là thanh tra tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của thanh tra.

Thanh tra phải xem xét các khiếu nại, tố cáo liên quan đến nội bộ cơ quan của mình có đúng không? Nếu thế, số lượng thanh tra trong nội bộ cơ quan Nhà nước sẽ ít hơn và thanh tra không phải đi điều tra, thanh tra, dòm ngó. Ví dụ, thanh tra quản lý thị trường, phải có đến hàng nghìn người. Hay đối với thanh tra giao thông cũng vậy; hiện nay có hàng triệu km đường giao thông, nếu tư duy như cơ quan soạn thảo thì thanh tra tràn ngập hết cả, trong khi đó người quản lý Nhà nước lại rất ít.

Có lẽ nên suy nghĩ lại về tổng thể nhiệm vụ, yêu cầu của công tác thanh tra. Trước hết thanh tra phải làm rõ việc quản lý nhà nước của các cơ quan trong bộ máy nhà nước có tốt không, có theo đúng chức năng, nhiệm vụ không? Hành vi của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong các cơ quan Nhà nước trong khi thực hiện quản lý Nhà nước có đúng không? Người ta tố cáo cán bộ làm trái chức năng, nhiệm vụ thì thanh tra phải nhảy vào. Như thế sẽ rõ ràng hơn.

CHỦ NHIỆM UB QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÊ QUANG BÌNH: Thanh tra là một nội dung quản lý nhà nước

Về địa vị pháp lý, thanh tra là một nội dung quản lý Nhà nước. Một là Nhà nước ban hành chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện và tiến hành thanh tra, kiểm tra xem luật, nghị quyết vào cuộc sống như thế nào; sơ kết, tổng kết việc ban hành pháp luật đúng chỗ nào, không đúng chỗ nào để sửa đổi, bổ sung? Hai, thanh tra là công cụ của Nhà nước, là tai mắt của lãnh đạo quản lý. Ví dụ, ở QH trước đây, thì có thể nói là QH thiếu công cụ... Hiện nay, kiểm toán là một công cụ của QH để thực hiện giám sát, nhưng đây là công cụ để kiểm toán ngân sách, còn công cụ để giám sát hành vi là chưa có. Giám sát của QH bây giờ chủ yếu bằng phương thức xem xét báo cáo, kể cả việc tổ chức Đoàn giám sát thì cũng chỉ là xem xét báo cáo. Như thế để thấy rằng, thanh tra là một công cụ của Nhà nước. Thứ ba, thanh tra là một trong những phương thức thể hiện dân chủ trong thể chế dân chủ của một xã hội dân chủ. Vì thế, từ lúc Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến bây giờ, tất cả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng đều chung một ý tưởng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Vậy, hiểu thanh tra như thế nào để sửa đổi Luật Thanh tra? Nếu thực hiện theo phương án 1 của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi): thanh tra là công cụ của quản lý nhà nước, cho nên cơ quan thanh tra phải được tổ chức theo hướng là cơ quan tham mưu, giúp việc và phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước; hay phương án 3: cơ quan thanh tra cần được tổ chức theo hướng vừa gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối với cơ quan quản lý nhà nước - thì đều không đúng với lý luận về công tác thanh tra và cũng không giải quyết được vấn đề. Vì theo phương án 1 thì thanh tra không thể độc lập.

Do đó, theo tôi, nếu chưa sửa Luật Thanh tra được một cách cơ bản thì nên sửa một vài điều, cụ thể là xử lý chỗ thanh tra chuyên ngành. Về lâu dài, nên sửa theo hướng không gọi là thanh tra Chính phủ như hiện nay mà phải là thanh tra Nhà nước với vị trí pháp lý tương tự như Kiểm toán Nhà nước. Các bộ cũng phải có thanh tra. Thanh tra các bộ gọi là thanh tra chuyên ngành. Ví dụ Bộ Giao thông - Vận tải có thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải. Hiện nay, có những loại thanh tra rất đặc thù như thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng có thể gọi là chuyên ngành nhưng thanh tra chuyên ngành này không nên tràn lan.

CHỦ NHIỆM UB KINH TẾ HÀ VĂN HIỀN: Thanh tra vẫn phải là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ

Theo tôi hiểu, thanh tra là một nội dung trong quản lý nhà nước. Ở đâu có quản lý Nhà nước thì ở đấy phải có hoạt động thanh tra để phục vụ cho việc quản lý Nhà nước. Hệ thống thanh tra hiện nay được thiết kế theo hướng này. Vì vậy, tôi cơ bản tán thành với thiết kế của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật: thanh tra vẫn phải là một cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa có đặc thù là có giải quyết một số vụ việc cụ thể.

Trên thực tế, tôi thấy nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra nhà nước tương đối rõ. Khi chương trình thanh tra đã được phê duyệt, thì việc tổ chức thực hiện là quyền của thanh tra. Nếu bây giờ yêu cầu thanh tra độc lập đến mức quyết định cả chương trình thanh tra là không được. Quy định như dự thảo Luật là phù hợp với thực trạng hệ thống tổ chức thanh tra hiện nay. Hiện nay, thanh tra nhà nước đã có những độc lập tương đối rồi và sự độc lập này được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao quyền.

CHỦ NHIỆM UB TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH PHÙNG QUỐC HIỂN: Phân biệt rõ giữa thanh tra và kiểm tra

Đúng là thanh tra và kiểm tra có nhiều điểm giống nhau, đều là công cụ quản lý Nhà nước, nhưng rõ ràng có điểm khác nhau. Về cấp độ, kiểm tra mang tính chất thường xuyên, liên tục, có hệ thống và phục vụ thường xuyên cho nhiệm vụ lãnh đạo. Nếu lãnh đạo mà không kiểm tra, tức là không lãnh đạo. Còn, thanh tra ở mức độ rộng hơn, sâu hơn, có trọng điểm hơn và phục vụ cho công tác lãnh đạo. Có thời điểm hình như chúng ta hơi lẫn lộn giữa thanh tra và kiểm tra, có lúc nặng về kiểm tra, nhẹ về thanh tra hoặc ngược lại, nặng về thanh tra, nhẹ về kiểm tra. Hiện nay, có rất nhiều cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra nhưng hiệu lực, hiệu quả không cao. Nguyên nhân là do việc tuân thủ Luật Thanh tra chưa nghiêm. Luật hiện hành quy định rõ 3 cấp là thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ và thanh tra sở; thanh tra cấp chính quyền có thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện, không nói gì đến thanh tra chuyên ngành. Bây giờ, trong dự thảo Luật đưa ra một loạt thanh tra. Dựa trên cơ sở nào để đưa ra các loại thanh tra này, hay vì đây là những loại thanh tra mới xuất hiện nên lần này phải sửa Luật Thanh tra để phù hợp với thực tế? Ví dụ, thanh tra giao thông, tại sao lại phải có loại thanh tra này và cũng xử lý những vi phạm pháp luật về an toàn giao thông? Thanh tra giao thông cũng đứng sát vai, sát cánh với cảnh sát giao thông, cũng chỉ đường, ngăn đường... nhưng hiệu quả không cao. Tôi thấy vì khâu triển khai thực hiện luật chưa tốt nên làm cho thanh tra mất hiệu lực, nhiều quá mất thiêng.

Từ phân tích trên, tôi đề nghị cứ thực hiện nghiêm Luật Thanh tra hiện hành. Không nên có thanh tra chuyên ngành, chỉ có thanh tra bộ, thanh tra sở. Ở các cấp chính quyền đều đã có thanh tra của Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện. Không nên tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ở cấp Chi cục mà cứ để các Chi cục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Bây giờ cứ muốn tổ chức thanh tra chuyên ngành ở cấp này sẽ làm bộ máy cồng kềnh và không bảo đảm hiệu lực.

TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN TRẦN THẾ VƯỢNG: Đã đi thanh tra thì phải là thanh tra viên

Với cách thanh tra như hiện nay, chúng ta đang có quá nhiều thanh tra. Đối với một doanh nghiệp, nếu tính theo chuyên ngành như lao động, tài chính, môi trường... thì nhiều lắm, hàng chục loại thanh tra. Đây là vấn đề nhức nhối, nhiều doanh nghiệp không làm ăn gì được. Còn nhớ, hồi Thủ tướng Phan Văn Khải có yêu cầu là từ nay thanh tra chỉ đến thăm hỏi doanh nghiệp 1 năm 1 lần.

Đối với việc sửa đổi Luật Thanh tra, trước hết phải tổng kết để hoàn thiện lý luận về thanh tra. Tại sao người ta lại nói thanh tra là tai mắt của nhà quản lý? Tai mắt của nhà quản lý có độc lập với nhà quản lý không? Là tai mắt mà độc lập với cơ thể thì còn làm gì được? Vậy ta có thừa nhận thanh tra là tai mắt của nhà quản lý không? Nếu không thì phải xem xét lại về lý luận. Đã thừa nhận thanh tra là tai mắt của nhà quản lý nhưng tại sao lại yêu cầu phải độc lập? Trong dự thảo Luật đề ra yêu cầu độc lập. Nhưng, cũng theo dự thảo Luật, cùng là thanh tra, chỉ khác nhau về cấp, một anh là thanh tra huyện, một anh là thanh tra tỉnh nhưng thẩm quyền rất khác nhau. Thanh tra huyện có toàn quyền thanh tra, quyết định, nhưng thanh tra tỉnh chỉ có quyền đệ trình (?) Đã là thanh tra ở các cấp hành chính thì phải giống nhau về chức năng, nhiệm vụ.

Cũng liên quan đến lý luận về thanh tra, một vấn đề đặt ra là có nên tổ chức thanh tra chuyên ngành không, vì hiện nay theo Hiến pháp và pháp luật, Chính phủ phải thanh tra, kiểm tra? Có ý kiến cho rằng, vì đặt ra thanh tra và giao quá nhiều quyền cho thanh tra nên cơ quan quản lý nhà nước quên mất nhiệm vụ kiểm tra. Lâu nay QH chưa hỏi đến việc kiểm tra như thế nào? Bộ trưởng phải đi kiểm tra, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện phải đi kiểm tra. Các chức danh này thực thi quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND và UBND về thanh tra nhân dân như thế nào? Có ý kiến cho rằng, vì luật pháp đã đặt ra thanh tra chuyên ngành nên những công việc kiểm tra đã giao cho thanh tra chuyên ngành. Thành ra, từ Chủ tịch các cấp đến Bộ trưởng hầu như chưa chú trọng đến công tác kiểm tra. Vì lẽ đó nên cũng có ý kiến cho rằng, tổ chức ra thanh tra chuyên ngành để tập trung vào việc kiểm tra. Theo tôi, đã đi thanh tra thì phải theo trình tự thủ tục, thứ nhất, phải là thanh tra viên, không phải ai cũng đi thanh tra được. Luật quy định như vậy. Nhưng, vừa qua hình như nặng về thanh tra dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn... Ngay cả thanh tra liên ngành cũng vậy, gọi là Đoàn Thanh tra liên ngành là không đúng. Trước hết, về thành phần Đoàn, tổ chức gồm toàn những người có phải là thanh tra viên đâu mà gọi là Đoàn Thanh tra liên ngành? Trong khi, Luật Thanh tra quy định, đã đi thanh tra thì phải là thanh tra viên. Thanh tra mà lại không phải là thanh tra viên thì có khác gì kiểm tra, khác gì là Đoàn Kiểm tra liên ngành?

Đi vào từng vấn đề cụ thể như vậy, tôi thấy thật khó sửa Luật Thanh tra khi chưa có tổng kết hoạt động của toàn bộ hệ thống các quy định về thanh tra ở các văn bản luật, pháp lệnh. Nếu không giải quyết được tất cả những vấn đề nêu trên thì rất khó để bàn về dự án Luật này.

nguồn nguoidaibieu.com
http://www.www.tochucnhansu2.com

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà admin
Trả lời nhanh

Back to topMessage [Page 1 of 1]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    You cannot reply to topics in this forum

    • Create a forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com