Change background image
OAPA Forum- Cộng Đồng nhân sự Việt


Go downMessage [Page 1 of 1]

© FMvi.vn

Thu Apr 19, 2012 3:56 pm
admin
admin

Xã hội dân sự và "cái phanh" đạo đức Admin





Xã hội dân sự
(XHDS) là một xã hội tất yếu xuất hiện ở tất cả các quốc gia, nó có thể
mang lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp hơn những điều chúng ta có thể
thấy... PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Những vấn đề
phát triển đã có những phân tích sâu về thành tố xã hội này...




Thế "kiềng ba chân"

Thưa ông, đã nghiên cứu lâu năm về các tổ chức XHDS, nếu có một cách giải thích ngắn gọn về XHDS, ông sẽ nói gì?


PGS.TS Đặng Ngọc Dinh
: XHDS là một xã hội thể hiện tính liên kết
của người dân với nhau. Dân sự tức là đời thường, để phân biệt trong một
số hoàn cảnh đặc biệt - ví dụ như quân sự. Nó là xã hội gồm các tổ chức
của những người dân. Tổ chức ấy bao gồm: Thứ nhất không là doanh nghiệp
(vì doanh nghiệp là họ có hẳn công ty kinh doanh). Thứ hai không là nhà
nước (nhà nước ở đây là các chính quyền, thí dụ không là quan chức nhà
nước). Thứ ba, không là con, cháu, vợ, chồng, anh, em... Còn lại là
những liên kết, những hộ, những nhóm... Thí dụ nhóm sở thích đi picnic,
nhóm bảo vệ di sản, hội nhóm sinh viên (là hội liên kết các sinh viên
lại với nhau)... Liên kết để thực hiện một số lợi ích chung, nhiệm vụ
chung, mục đích chung.

XHDS nằm thế nào trong cơ cấu của một xã hội nói chung, thưa PGS?


PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Vì trong một xã hội nói chung thì phải
có ba thể chế hoạt động để quản lý (phục vụ) xã hội đấy cho tốt: Thể chế
thứ nhất (rất quan trọng) mà thường thường đứng ở trên là Nhà nước.
Quản lý Nhà nước ở đây có thể là Phường, các Hiệu trưởng (trong mối
tương quan với SV...).v.v... Đấy là một khối gọi chung là khối quản lý.
Nhất thiết phải có khối này để lái xã hội đi đúng luật. Nhà nước phải
giữ pháp luật là chính. Khối thứ hai là khối tư nhân (tức là thị
trường). Khối này gồm những người buôn bán, lấy cái chính là lợi nhuận
làm căn bản. Khối thứ nhất ra chính sách để kích thích khối thứ hai làm
ăn. Từ khi Đổi Mới đến nay thì khối thứ hai này rất mạnh, bây giờ thậm
chí là cực mạnh. Thị trường đích thực thì khối tư nhân phải mạnh.

Đến khối thứ ba là khối XHDS. Ngoài việc quản lý, ngoài việc kinh doanh,
chúng ta còn có nhu cầu được liên kết với nhau trong hội nào đó, như
thế gọi là XHDS. Mục tiêu chính của XHDS là gắn bó, lấy đạo đức làm
chính. Tôi xin nhắc lại, nhà nước lấy pháp luật làm chính, thị trường
thì lấy lợi nhuận làm chính, còn động cơ chính của XHDS là đạo đức.

Lý do nào khi gần đây người ta hay nhắc đến "khối thứ ba" này?


PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Bởi vì Việt Nam có một thời gian dài là
chiến tranh, cho nên xã hội không bình thường. Bây giờ muốn bình thường
thì 3 khối trên phải tạo 3 chân kiềng, nó phải hài hoà với nhau. Tại sao
bây giờ mới nói như vậy? Vì chân kiềng thứ nhất là Nhà nước thì có từ
lâu rồi, chân kiềng thứ hai là Thị trường thì bây giờ cũng đã rầm rộ,
còn chân kiềng thứ ba bắt đầu bàn nhiều là XHDS. Như vậy là không có
chuyện khối này đối kháng với khối kia, không có chuyện cứ có Nhà nước
thì không có Thị trường, mà cứ có Nhà nước, Thị trường thì không có
XHDS. Nó là ba cái gắn bó với nhau, nó làm cho xã hội ấy phát triển bền
vững. (Mà nói nôm na theo quan niệm hiện nay, xã hội bền vững là “xã hội
công bằng, dân chủ, văn minh”).

PGS nghĩ sao khi không ít người vẫn còn hiểu sai về XHDS ?

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh
: Theo tôi, giới trí thức trẻ hiện nay cần
phải hiểu được bản chất của XHDS là cái gì. Trên đây ta nói là 3 thành
phần bổ sung cho nhau: Nhà nước bổ sung cho thị trường, nhà nước thì
theo pháp luật, thị trường thì theo lợi nhuận, nhưng đôi khi lợi nhuận
mua chuộc nhà nước (thí dụ doanh nghiệp lo lót để nhận được các ưu tiên
về đất đai); Hoặc đôi khi nhà nước lại lấn át thị trường (thí dụ như nhà
nước cấm nhiều thứ quá). Vậy thì XHDS góp phần điều chỉnh lại cái đó.
Thí dụ nó vạch ra cho nhà nước chuyện "anh" thị trường này đang mua
chuộc... Nếu hiểu được XHDS như vậy thì mình sẽ có những tiếng nói, làm
cân đối lại. .

Nhưng không hẳn XHDS là một mô hình tối ưu, trong mình đó vẫn chứa những khuyết tật, thưa PGS?

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Đúng vậy, XHDS vẫn có nhược điểm, mà
nhược điểm cơ bản của nó là khi liên kết với nhau như vậy mà không nắm
vững được luật pháp, không nắm vững được các điều luật thì có thể có
những hành động mà không nắm được đường đi. Cho nên quan trọng nhất đối
với XHDS là anh phải có tri thức về luật. Trong một xã hội mới thì cái
lõi của vấn đề là luật pháp và đạo đức… Bản chất của XHDS là đạo đức và
phải “thượng tôn pháp luật”. Nếu mà một xã hội chung có một XHDS mạnh,
rất nhiều hội này, hội kia, rất nhiều nhóm liên kết mà anh làm không có
tinh thần "thượng tôn pháp luật" thì gọi là “vô chính phủ”.

Xin PGS cho biết kết cấu và bản chất sự liên kết của một XHDS?


PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Trong xã hội có hai liên kết: Liên kết
dọc là liên kết từ trên xuống, từ Chính phủ xuống tỉnh, huyện, xã
(phường) xuống đến tận khu phố. Ví dụ trong trường là liên kết dọc, tức
là Đảng uỷ, Hiệu trưởng, xuống Chủ nhiệm khoa, rồi xuống Bộ môn xuống
nhóm SV…; Thứ hai là liên kết ngang là liên kết kiểu như hội nhà báo,
hội đánh cầu lông (trong hội đánh cầu lông có thể có một ông hiệu trưởng
và một người SV, ngang là như thế!). XHDS khích lệ liên kết ngang này.

Một xã hội bền vững là hai liên kết trên phải kết hợp với nhau một cách
hài hoà. Trong một xã hội mang tính chất quân sự thì liên kết dọc là
chính. Một xã hội sơ khai thì liên kết ngang là nhiều, còn xã hội văn
minh thì hai liên kết đó hài hoà với nhau. Hiện nay, ở các nước phát
triển thì hai liên kết này là rất tốt, còn ở VN đang ở tình trạng mạnh
về liên kết dọc, và đang khích lệ và đang nở rộ liên kết ngang. Còn tại
sao liên kết dọc mạnh là vì chúng ta có nhiều năm kháng chiến, cần phải
liên kết dọc mạnh. Chứ không có chuyện hội hè. Chẳng ai đang đi tòng
quân ra trận mà lại có... hội đọc thơ với nhau.

Bây giờ lại cần hội đó rất nhiều. Những hội này sẽ làm phong phú thêm
cuộc sống, khích lệ sáng tạo (trong khi liên kết dọc là một liên kết ít
sáng tạo, vì theo lệnh).

Nhưng nếu chỉ liên kết ngang thôi thì không có điều hành, không có hướng
đi rõ ràng. Cho nên đừng nên quan niệm theo kiểu là đã có cái này thì
không nên có cái kia, hoặc là hai cái đối kháng nhau. Tức là XHDS không
trùng vào nhà nước nhưng cũng không chống lại nhà nước, nôm na là nó bổ
sung cho nhau.

Bánh xe xã hội và "cái phanh" của đạo đức


Theo PGS, làm thế nào để phát triển XHDS?

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Bây giờ muốn cho một XHDS tốt thì có mấy
cái cần. Một là nhà nước phải tạo nhiều hơn nữa những điều kiện cho nó
hoạt động tốt. Thí dụ như các quy chế, quy định, có thể là luật hay giới
luật. Quy định để khích lệ, tạo môi trường cho XHDS hoạt động. Môi
trường về thể chế, môi trường về sinh thái, môi trường chính trị, môi
trường xã hội. Thí dụ trong trường đại học, họ muốn lập một hội thì xét
về lý sẽ không có vấn đề gì cả, nhưng phải có cái luật để thành lập hội.
Hiện nay chưa có luật nào như cái Luật thành lập hội, mười mấy năm bàn
bạc nhưng mà chưa thông. Đấy là điều kiện cần (đối với nhà nước).

Đối với bản thân XHDS, muốn phát triển lành mạnh thì phải nắm vững pháp
luật với tinh thần thượng tôn. Có thể kết luận, một xã hội muốn ba đỉnh
(khối) ấy phát triển lành mạnh, đúng đắn, kết hợp với nhau "ăn ý" thì
cái lõi của vấn đề là thượng tôn pháp luật. Giống như chuyện đá bóng,
khi luật bóng đá ra rồi thì trên sân trọng tài là người quyết định.
Nhưng ở VN đôi khi rất ngược, một người bạn của tôi là cán bộ cấp cao kể
chuyện rằng ở một đội bóng ở miền Trung, trong trận đấu nọ khi có một
cầu thủ đá kém thì ông Bí thư Thành uỷ ngồi trên khán đài đòi đuổi anh
này ra thay anh khác vào, thay cả... huấn luyện viên, trọng tài. Thế là
không đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Có thể trọng tài làm sai, thì
sau này anh phê bình, anh tước còi, anh đình chỉ. Còn khi đang làm
nhiệm vụ rồi, giống như toà, người cầm còi có quyền phán xét. Sau đó nếu
xét sai lại là chuyện khác!

Một XHDS tốt thì sẽ góp phần hình thành đạo đức xã hội tốt hơn. Nhiều
người đang lo về sự suy thoái đạo đức. PGS có thể phân tích sâu hơn mối
quan hệ giữa XHDS với đạo đức?


PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Đạo đức của một xã hội được cấu thành
bởi hai yếu tố: Yếu tố thứ nhất, là luật pháp. Một xã hội văn minh là
phải làm theo luật là chính. Luật pháp nó tạo nên một nền đạo đức nghiêm
chỉnh và thẳng thắn, do vậy luật pháp rất quan trọng. Anh dạy bảo kiểu
này kiểu kia là một phần, nhưng bên cạnh đó vẫn phải cần có luật pháp.
Tính đúng của luật ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, đạo đức. Luật tạo nên
đạo đức của xã hội, và đạo đức phụ thuộc một phần vào luật. Thiếu đạo
đức con người sẽ trở nên hung hãn và "xuống cấp"… Thứ hai, trong XHDS,
ngoài phần đạo đức do luật pháp tạo nên thì còn có phần là do các mối
quan hệ truyền thống, các nề nếp trong xã hội, gia đình, làng xóm... Nếu
XHDS tốt thì nó tăng cường tình nghĩa, làm cho đạo đức tốt lên.

Điều đó có nghĩa là XHDS làm cho con người khoan dung hơn, thưa PGS?


PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Đúng vậy. Khoan dung là mình phải thông
cảm, trong đạo đức có khía cạnh của khoan dung. Cũng là người phạm pháp,
nhưng mà phải xem nguyên nhân, hoàn cảnh để mình có sự khoan dung.
Người ta bị bệnh tật mà mình không kỳ thị là tính khoan dung. Cho nên xã
hội văn minh là có một XHDS tốt, tính khoan dung rất cao. Không để cho
những người thiệt thòi có mặc cảm và tạo điều kiện để họ cống hiến tốt
hơn. Thí dụ ở nhiều nước, người khuyết tật được tạo điều kiện đến lớp
dạy học, có lối đi riêng, khiến cho nhiều người khuyết tật từ bé trở nên
có chí rất cao. Đấy là xã hội văn minh. Tính khoan dung rất quan trọng
trong XHDS. Nó làm giảm xung đột, căng thẳng, và làm cho con người từ bi
hơn.

Xin nói thêm, tín ngưỡng cũng rất quan trọng trong XHDS. Tín ngưỡng đây
là lòng tin, một cái gì đấy khuyên nhủ nhau. Giống trong đạo người ta
tin có kiếp sau nên cần sống tốt ở kiếp này chẳng hạn. Cho nên đừng nên
coi thường tín ngưỡng. Nếu SV sau này ra trường mà trong những giấy tờ
ghi "tín ngưỡng: không” - chẳng hạn, thì những nhà tuyển dụng phương Tây
họ sẽ vô cùng sợ. Họ cho như thế có nghĩa là anh không có một niềm tin
gì cả. Điều đó chẳng khác gì khi hỏi: “Cái xe có phanh không?” thì trả
lời là “không có phanh”.

Có vai trò quan trọng là thế, ấy vậy mà có vẻ như nhiều người vẫn "dè chừng" với XHDS?


PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Đấy, một chức năng mà người ta hay quên
nhưng trong XHDS rất cần những chức năng này là chức năng phản biện xã
hội. Chức năng này có vai trò rất lớn trong việc đánh giá tác động của
chính sách. Cho nên người ta hay ngại XHDS, và gán cho nó là... rách
việc. Nếu quản lý kém thì người ta sợ, người ta cho là rách việc, nhưng
nếu là một người quản lý tốt thì rất thích XHDS. Người ta rất cần những
người nói cho mình để đưa xã hội phát triển. Tại những nước Bắc Âu thì
XHDS phát triển cực tốt.

Xin cảm ơn PGS!






LÊ NGỌC SƠN
(Thực hiện)
http://www.www.tochucnhansu2.com

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà admin
Trả lời nhanh

Back to topMessage [Page 1 of 1]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    You cannot reply to topics in this forum

    • Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com